Qua khám lâm sàng 650 người dân, trong đó xét nghiệm cận lâm sàng cho 100 người ở 3 xã của tỉnh Hà Nam, Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường đưa ra kết quả khiến nhiều người giật mình: 28,3% mắc bệnh da; 28 trường hợp thiếu máu liên quan đến nhiễm độc thạch tín (asen ) mãn tính.
Thông tin trên được công bố tại hội nghị tổng kết chương trình môi trường quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 1998-2005, tổ chức ngày 16/6 tại Hà Nội. Theo nhiều đại biểu, tác hại của asen đã được nhắc đến nhiều, song ở Việt Nam hiện chưa có những ca bị nhiễm asen được báo cáo chính thức. Do đó người dân và ngay cả một số cấp quản lý cũng chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này.
Nghiên cứu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, tiến hành năm 2003 tại 3 xã Hòa Hậu, Bồ Đề, Vĩnh Trụ cho thấy, các bệnh ngoài da đối với người uống, nấu ăn và dùng nước ngầm từ các giếng khoan nhiễm asen, là thay đổi sắc tố da, nặng hơn nữa là sừng hóa ở lòng bàn tay, bàn chân. So sánh tỷ lệ ung thư ở 3 xã với trung bình quốc gia thì lệ ung thư các bộ phận tiêu hóa và tiết niệu tại 3 xã cao hơn các dạng ung thư khác. Mức độ asen ở tóc, nước tiểu của các bệnh nhân được xét nghiệm cận lâm sàng cũng cao hơn so với người dân khu vực khác.
Asen là nguyên tố có trong thiên nhiên, rải rác khắp nơi trong vỏ trái đất, nguồn nước ngọt và môi trường. Asen có thể thâm nhập vào nước qua nhiều đường như: sự hoà tan tự nhiên của khoáng chất và quặng, đặc biệt ở các vùng châu thổ có nhiều mỏ than; sử dụng thuốc trừ sâu, chất diệt côn trùng và cỏ dại; đổ các chất thải công nghiệp, nhất là trong quá trình làm thủy tinh, đồ gốm, thuộc da, sản xuất thuốc nhuộm và chất màu để pha sơn, chất bảo quản gỗ; chiết xuất và tinh lọc kim loại; đốt những nhiên liệu hoá thạch…
Asen thâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua thực phẩm, nước uống và không khí. Trong nước uống, asen không trông thấy được, không mùi vị, do đó nếu không có phương tiện thử, không thể biết. Sự phát hiện người nhiễm asen rất khó do những triệu chứng của bệnh phải từ 5 đến 15 sau mới xuất hiện.
Ông Chander Badloe, Trưởng ban nước sạch và vệ sinh môi trường của Unicef tại Việt Nam, hôm qua khẳng định một trong 4 vấn đề cần quan tâm của Việt Nam trong cung cấp nước sạch là phát hiện và xử lý asen trong nước ngầm. Theo kết quả xét nghiệm asen do Unicef hỗ trợ Việt Nam từ 2001 đến 2004 tại 25 tỉnh thành thì Hà Nam đứng đầu vì mức độ ô nhiễm asen nghiêm trọng nhất. Trong 7.040 mẫu nước lấy từ giếng khoan, có tới 3.530 mẫu có hàm lượng lớn hơn 0,05 mg/l (hàm lượng asen cho phép trong nước uống của Việt Nam là 0,01 mg/l).
Theo các chuyên gia y tế, rất may thời gian sử dụng nước giếng khoan của người dân ở Hà Nam ngắn (dưới 10 năm), do đó những triệu chứng ngộ độc asen mãn tính ít rõ hơn. Khả năng giải quyết, giảm thiểu tác hại của asen đối với sức khỏe vì thế cũng cao hơn. Với những bệnh nhân nhiễm asen ở Hà Nam, giải pháp hữu hiệu nhất là chấm dứt sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Tuy nhiên, với Hà Nam , địa phương thỉnh thoảng lại bị hạn hán, nguồn nước mặt cạn kiệt, việc chấm dứt sử dụng nước ngầm ô nhiễm là không thể. Một lối thoát đơn giản, song đem lại hiệu quả cho vấn đề này, theo tiến sĩ Phạm Xuân Sử, Cục trưởng Thủy lợi, đó là sử dụng phương pháp sục khí, giàn mưa, bồn lắng, lọc…, vừa để khử sắt, vừa loại bỏ được asen trong nước.
LOCNUOCVIP – HỆ THỐNG LỌC NƯỚC CAO CẤP CHÍNH HÃNG
————————————————————————————————–
CÔNG TY CP KEANGNAM VIỆT NAM
Địa chỉ: Số 122/58 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 09777 02345 (Phone, Zalo)
Website: www.locnuocvip.com – Email: locnuocvip.com@gmail.com
Post Views: 11