Bù nước và điện giải trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em

Bù nước và điện giải trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em
Theo các nhà khoa học, có khoảng 80% số trẻ em tiêu chảy cấp bị tử vong do mất nước và điện giải trầm trọng. Vì vậy, việc bù nước và điện giải là phần quan trọng nhất trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em cần được lưu ý.
Thường trẻ đi đại tiện trên 3 lần trong ngày và tính chất phân thay đổi như phân loãng, có nhiều nước là dấu hiệu của tiêu chảy cấp và diễn biến dưới 5 ngày, nếu trên 2 tuần là tiêu chảy kéo dài. Vào mùa hè nắng nóng, trẻ rất dễ bị tiêu chảy cấp, do đó cần quan tâm đến bệnh lý này.

Điều trị mất nước và điện giải

Việc điều trị mất nước và điện giải nhằm mục đích bù nước và điện giải do bệnh gây ra gọi là điều trị phục hồi, cung cấp nước và điện giải trong khi bệnh nhi được điều trị gọi là điều trị duy trì; ngoài ra một số trường hợp có thể cung cấp nước và điện giải cho cơ thể trong điều kiện sinh lý bình thường. Thực tế đưa nước và điện giải vào cơ thể có thể thực hiện bằng đường uống, tiêm truyền qua tĩnh mạch và dùng ống thông mũi-dạ dày.
Dung dịch sử dụng để uống có thể dùng gói bột ORS (oral rehydration salts) có sẵn của Tổ chức Y tế Thế giới để pha dung dịch oresol (oral rehydration solution) hoặc dùng dung dịch tự pha chế theo công thức. Một gói ORS pha với 1 lít nước có clorua natri 3,5g; bicarbonat natri 2,5g; clorua kali 1,5g; glucose 20g.
Nếu không có sẵn gói bột ORS, có thể dùng dung dịch tự pha chế gồm 1 thìa cà phê muối (3,5g), 8 thìa cà phê đường (40g) pha vào 1 lít nước hoặc có thể dùng bột gạo nấu thành nước cháo gồm bột gạo 50g (5 thìa canh), muối 3,5g (1 thìa cà phê), 1 lít nước và đun sôi 2 – 5 phút; để có thêm kali, cho thêm vào nước cháo vài thìa nước quả, với 50g bột gạo có thể cho được 175 kcal.
Dung dịch sử dụng để tiêm truyền thường dùng là huyết thanh NaCl 0,9%, huyết thanh glucose 5%, lactat hoặc acetat Ringer, dung dịch Darrow.
Trên lâm sàng, sau khi đánh giá tình trạng mất nước, tùy theo mức độ mà bù nước và điện giải. Trường hợp mất nước nhẹ, cho uống dung dịch oresol với liều lượng 50ml/kg cân nặng trong 4 giờ. Nếu mất nước vừa, cho uống dung dịch oresol với liều lượng 10ml/kg cân nặng trong 4 giờ. Khi bệnh nhi nôn nhiều, vẫn cho trẻ uống dung dịch oresol nhưng uống từng thìa.
Trường hợp trẻ hôn mê, tiêm truyền tĩnh mạch các dung dịch lactat Ringer với liều lượng 30ml/kg cân nặng mỗi giờ, sau đó đánh giá tình trạng mất nước và tiếp tục tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch lactat Ringer với liều lượng 70ml/kg cân nặng mỗi 5 giờ; đối với trẻ trên 1 tuổi có thể tiêm truyền nhanh hơn; tiếp tục đánh giá lại các triệu chứng mất nước, nếu bệnh nhi đỡ cho uống dung dịch oresol với liều lượng 20ml/kg cân nặng mỗi giờ.
Nếu không có dung dịch lactat Ringer, có thể dùng dung dịch acetat Ringer hoặc dung dịch muối đẳng trương NaCl 0,9%. Trường hợp không tiêm truyền tĩnh mạch được, bù nước và điện giải qua ống thông mũi-dạ dày với liều lượng 20ml/kg cân nặng mỗi giờ, tổng liều là 120ml/kg cân nặng.
Lưu ý kháng sinh chỉ được sử dụng trong các trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp có nhiễm khuẩn do mắc các bệnh tả, lỵ trực trùng, lỵ amíp cấp…

Dinh dưỡng của bệnh nhi bị tiêu chảy cấp

Ngoài bù nước và điện giải là điều trị quan trọng đã được nêu ở trên, việc dinh dưỡng của bệnh nhi bị tiêu chảy cấp cũng cần quan tâm. Khi mắc bệnh, trẻ bị thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể do bị tiêu chảy, nôn, biếng ăn; vì vậy nếu cho trẻ kiêng khem là vấn đề không hợp lý.
Thực tế ngay trong thời kỳ cấp tính của bệnh tiêu chảy, ruột vẫn giữ được chức năng hấp thu các chất dinh dưỡng như chất mỡ ruột có thể hấp thụ được 60% so với bình thường. Lưu ý ngay sau khi hồi phục được nước và điện giải, cần cho trẻ bú và không cần bắt trẻ phải nhịn ăn. Đối với những trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa bò, sau khi đã bù nước và điện giải nên cho trẻ bú sữa pha loãng hơn lúc trẻ chưa bị mắc bệnh hoặc có thể cho bú sữa pha với ORS với liều lượng 1/3 sữa pha với 2/3 ORS.
Sau đó dần dần cho trẻ bú hay ăn theo chế độ bình thường. Khi trẻ khỏi bệnh, mỗi ngày cho ăn thêm một bữa, ăn trong một tuần để nhanh lấy lại sức. Tránh cho trẻ ăn nước cháo kéo dài hoặc kiêng khem không cho ăn các thức ăn có chất dinh dưỡng cao vì trong điều trị tiêu chảy cấp không thể để trẻ bị thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Điều trị tiêu chảy trong một số trường hợp đặc biệt

Đối với trẻ bị tiêu chảy và suy dinh dưỡng: Một số trẻ suy dinh dưỡng thường bị tiêu chảy nên việc điều trị sẽ khó khăn hơn trẻ có tình trạng dinh dưỡng tốt. Trước tiên phải cần bù nước và điện giải như trên nhưng giai đoạn duy trì kéo dài hơn, vì vậy phải dùng ORS lâu hơn. Trẻ suy dinh dưỡng thể phù Kwashiokor dễ bị phù tăng lên và gây suy tim. Trẻ cần được theo dõi chặt chẽ và cho ăn lại khẩu phần ăn bình thường càng sớm càng tốt.
Đối với trẻ bị tiêu chảy và sốt cao, co giật: phải tìm ổ nhiễm khuẩn trong cơ thể tại tai, phổi, tiết niệu… Nếu trẻ sốt cao thì điều trị như các trường hợp bị sốt cao bằng thuốc hạ nhiệt, dùng thuốc an thần để đề phòng co giật.

Điều cần quan tâm

Hiện nay nhờ phương pháp và kỹ thuật hiện đại nên việc điều trị bệnh tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy cấp ở trẻ em khá hiệu quả; do đó tỉ lệ tử vong đã giảm đáng kể. Tuy vậy, công tác phòng bệnh cần phải được quan tâm. Việc nuôi con bằng sữa mẹ bằng cách cho trẻ bú ngay sau khi sinh được vài giờ, tối thiểu từ 4 – 6 tháng đầu cần nuôi con bằng sữa mẹ; từ tháng thứ 6 cho ăn thức ăn bổ sung.
Nên cho trẻ tiếp tục bú sữa mẹ đến 2 tuổi vì sữa mẹ sạch, không bị nhiễm khuẩn, có nhiều yếu tố diệt khuẩn như tế bào bạch cầu, immunoglobin, lactoferin, lysozym. Vì vậy, sữa mẹ là thức ăn quý có yếu tố phòng bệnh tiêu chảy rất tốt. Nếu không đủ sữa mẹ, có thể cho trẻ ăn thêm sữa bò và nên dùng thìa thay thế cho bình sữa với núm vú cao su.
Đồng thời cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, ngoài sữa mẹ thì từ tháng thứ 6 nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu chất đạm nhất là đạm động vật; giàu năng tượng như mỡ, dầu; nhiều vitamin A, B1, B6, muối khoáng, rau quả…; từ 1 tuổi trở lên cho ăn thêm cháo, cơm, rau, cá, thịt…; thức ăn phải tươi, không bị nhiễm khuẩn, được nấu chín kỹ và nên ăn nóng.
Ngoài ra, cần cho trẻ uống nước tinh khiết, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi trẻ sinh sống, giáo dục trẻ giữ vệ sinh cá nhân, không uống nước lã, không ăn quả xanh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… để phòng bệnh tiêu chảy hiệu quả.

 


LOCNUOCVIP  –  HỆ THỐNG LỌC NƯỚC CAO CẤP CHÍNH HÃNG
————————————————————————————————–
CÔNG TY CP KEANGNAM VIỆT NAM
Địa chỉ:       Số 122/58 Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline:       09777 02345 (Phone, Zalo)
Website:     www.locnuocvip.com    –    Email: locnuocvip.com@gmail.com
Rate this post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *